Hoàn cảnh ra đời Li_ti

Bản thân Li ti không bao gồm nhiều ca khúc mới. "Con cò" từng là "Bài hát của năm" tại giải thưởng Bài hát Việt 2007[9], "Đồng hồ treo tường" cũng là "Bài hát của năm" tại giải thưởng Bài hát Việt 2009[10], ngoài ra "Li ti", "Sáng nay" cũng từng được trao giải thưởng bởi hội đồng thẩm định của chương trình[11]. Chỉ có "Trời cho" và "Giăng tơ" là 2 ca khúc mới, bên cạnh hai bản nhạc hòa tấu được nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam sáng tác riêng cho album.

Tuy nhiên, Li ti lại không phải là album tuyển tập của Tùng Dương khi anh quyết định thử sức hòa âm và phối khi tất cả các ca khúc theo phong cách nhạc điện tử[12] phối theo hòa âm của các nhạc cụ giao hưởng[1]. Để hiện thực hóa ý tưởng ấp ủ từ năm 2008[13], Tùng Dương đã liên hệ và cộng tác với ê-kip thu âm ở Đức, trong đó có ca dàn nhạc giao hưởng Beethoven của thành phố Bonn. Đội ngũ Touch Sky Productions của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam và nhạc sĩ Sebastian Parche trực tiếp phụ trách kỹ thuật thu âm cho album[13]. Ngoài kinh phí lên tới 30.000 € (trong đó 20.000 € được tài trợ), Tùng Dương còn phải trả thêm 100 €/giờ cho mỗi nghệ sĩ[12], minh chứng cho sự đầu tư và tham vọng của anh với dự án này.

"Thật ra, tôi quyết định làm album này ở Đức là vì 2 lý do. Thứ nhất, đó là một trong những cái nôi của nhạc điện tử châu Âu, môi trường âm nhạc ở đấy chắc chắn sẽ có nhiều chất liệu tốt cho dự án của tôi. Thứ hai, ở đó có Nguyễn Công Phương Nam, người mà tôi rất trân trọng. Anh Nam vốn là dân jazz nhưng màu sắc điện tử trong thế giới âm nhạc của anh lại rất dồi dào. Những kỹ thuật, chất liệu, phối âm của anh rất chắc tay. Anh ấy còn là người kỹ tính, kỹ từ cách chọn người đánh trống, chơi cello cho đến những bản mix phức tạp."[14]
"Tôi luôn "nhập" vào mọi thể loại âm nhạc một cách rất tự nhiên và "điên" là bản chất tự nhiên của tôi trong âm nhạc... Trong thế giới electronica, tôi muốn tạo cho mình một không gian âm nhạc riêng, ở đó tôi thỏa sức vẫy vùng nhưng không có nghĩa theo hướng thể hiện thái quá."[14]

~ Tùng Dương

Ca khúc "Li ti" là sáng tác được nhạc sĩ Sa Huỳnh viết năm 19 tuổi, sau đó được phối lại hoàn toàn khác biệt để phù hợp với phong cách chung của album. Chia sẻ về việc hợp tác với những nghệ sĩ nước ngoài, Tùng Dương khẳng định âm nhạc và tinh thần của album vẫn "giữ nguyên và đậm chất Việt"[1]. "[Âm hưởng dân gian] không hề mất đi chút nào. Thậm chí được gìn giữ và được đẩy mạnh rất rõ, được kết hợp với những gì tối tân của nhạc điện tử với tính dân gian."[15]. Mặt khác, anh cũng rất hài lòng về hai bản nhạc hòa tấu trong album: "Đó là phong cách làm của những nghệ sĩ chơi electronica... Bản hoà tấu là sự sáng tạo bằng những âm thanh của các nhạc cụ tối tân."[15]

So sánh với album thành công vang dội trước đó của mình, Tùng Dương chia sẻ: "Sự thay đổi trong âm nhạc của tôi thật ra chẳng thay đổi mấy. Đó đúng ra là logic hóa con đường tôi đang đi. 4 năm trước, Những ô màu khối lập phương đã vẽ ra một thế giới âm nhạc đa diện mà trong đó tôi được bay. Còn bây giờ tôi vẫn bay nhưng bằng chất liệu điện tử nhiều hơn. Vẫn không gian ấy nhưng đường bay lại có những ánh đèn, những ánh sáng trừu tượng, sự bí ẩn dẫn dắt. Bên cạnh đó, tôi rất yêu âm nhạc của Björk, Massive Attack, Portishead,... những chất liệu điện tử thể nghiệm của họ là một thế giới khó có thể cưỡng lại. Họ là niềm cảm hứng xuyên suốt trên con đường âm nhạc của tôi."[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Li_ti http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nha... http://dantri.com.vn/giai-tri/dem-trao-giai-bai-ha... http://nld.com.vn/su-kien/liti-cua-tung-duong-doat... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110405/tung-du... http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/nguoicuacongc... http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ca-si-tun... http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ca-si-tun... http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhac-si-n... http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tung-duon...